(13-10-2022) BỨC THƯ CỦA BÁC HỒ VÀ SỨ MỆNH CỦA DOANH NHÂN VIỆT

Khai Thác: 0931.793.108 / Thương vụ: 0961.694.948

(13-10-2022) BỨC THƯ CỦA BÁC HỒ VÀ SỨ MỆNH CỦA DOANH NHÂN VIỆT
Ngày đăng: 13/10/2022 09:24 AM

          Vào ngày 20.9.2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm  là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13.10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc bởi đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam (13.10.1945)

Bức thư của Bác Hồ và sứ mệnh của doanh nhân Việt

Bác Hồ với giới công thương năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Từ “Tuần lễ vàng” đến bức thư gửi ngành công thương

          Mùa thu năm 1945, Chính  phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ; Ngân quỹ Trung ương chỉ còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng rách nát chờ tiêu hủy; Nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, nhằm thu nhận hiện vật mà nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi và niềm tin nơi  Bác, các doanh  nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng  góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập. Tiêu biểu là Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng.

          Những đóng góp gần như vô điều kiện của những nhà tư sản đã góp phần xây dựng Chính phủ còn non trẻ. Không chỉ coi trọng các nhà tư sản, Hồ Chí Minh còn khẳng định tư tưởng của mình bằng việc một nhà tư sản yêu nước, kinh doanh sách báo tiến bộ, kinh doanh lương thực, hàng nông sản trước Cách mạng tháng Tám là ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước ta.

          Từ một nền tài chính kiệt quệ của một nhà nước non trẻ, bằng tài năng và tâm huyết, trong 12 năm, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã lãnh đạo ngành tài chính vượt qua khó khăn, góp phần vào thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

          Ngày 13.10.1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.

          Tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo được lòng tin như một lời hiệu triệu để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, ngày 11.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự nghiệp vẻ vang kiến thiết nước nhà và kêu gọi: “Đồng bào điền chủ nông gia hãy hăng hái cùng nhau làm việc kiến thiết đó”.

          Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển có ý nghĩa quyết định đến thực lực và sức mạnh mọi mặt của cuộc kháng chiến. Kinh tế kháng chiến chủ yếu dựa vào đóng góp của nhân dân, của kinh tế tư nhân. Chính phủ kháng chiến được toàn dân ủng hộ. Ở vùng đô thị và địch tạm chiếm, các nhà tư sản, nhà buôn, điền chủ, địa chủ kháng chiến vẫn tìm cách ủng hộ, đóng góp cho kháng chiến, nông dân vẫn đóng thuế cho Chính phủ kháng chiến.

          Tháng 2.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi nông dân động viên tăng gia sản xuất với tinh thần: Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ. Thuế nông nghiệp, thuế công thương là nguồn thu chủ yếu của ngân sách.

          Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Kinh tế tư bản tư nhân: “Họ bóc lột công nhân nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ:

          “1 - Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.

          2 - Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức.

          Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng chính sách công nông giúp nhau và lưu thông bên trong ngoài (tức phát triển thị trường trong nước và hợp tác, buôn bán với nước ngoài). Khi miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích mọi người, mọi gia đình làm giàu. Người cho rằng chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh (1956).

          Đối với kinh tế tư bản tư nhân và những nhà tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm rất mới: “Còn giai cấp tư sản ở ta, thì họ có xu hướng chống đế quốc… cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”.

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam có đóng góp rất lớn từ các doanh nhân.

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam có đóng góp rất lớn từ các doanh nhân.

Sứ mệnh của doanh nhân Việt

          Cách đây 50 năm, trong di chúc của mình gửi lại cho toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng cuối cùng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

          Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh không thể không có sự đóng góp của kinh tế tư nhân và các doanh nhân ngày càng nhận thức rõ sứ mệnh của mình

          Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa. Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12.1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế - xã hội chủ nghĩa, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao. Hơn 30 năm đổi mới, Đảng thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

          Nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng sáng rõ. Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3.6.2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

          Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

          Làm rõ hơn vai trò và sứ mệnh của các doanh nhân, mới đây, đầu tháng 9.2019, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đã tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

          Tại sự kiện này, Trưởng Ban kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình đã nhắc lại bức thư Bác Hồ gửi ngành công thương năm 1945  và khẳng định: “Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này”.

          Ba Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (NQ10, NQ11 và NQ12) của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.

          Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

          Cuộc vận động khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế.

          Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nguồn: https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/buc-thu-cua-bac-ho-va-su-menh-cua-doanh-nhan-viet-759727.ldo