(QUÝ III - 2024) CÁC CÂU CHUYỆN BÁC HỒ

Khai Thác: 0931.793.108 / Thương vụ: 0961.694.948

(QUÝ III - 2024) CÁC CÂU CHUYỆN BÁC HỒ
Ngày đăng: 07/10/2024 07:52 AM

Các câu chuyện Bác Hồ trong Quý III – 2024:

“Để Bác Quạt”, "Bác Hồ với câu chuyện về tính trung thực", “Việc làm được hãy tự làm lấy”

_________________________________________________________________________________________________________

ĐỂ BÁC QUẠT

    Năm ấy, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại.

    Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi.

    Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh, bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng vào gần Bác, vừa quay lại thì Bác cũng đi tới…

    Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón đồng chí thương binh.

    Hình như có linh cảm đặc biệt; đồng chí thương binh hỏng mắt bước tới ôm chầm lấy Bác, nghẹn ngào hai tiếng “Bác ơi”. Hai dòng nước mắt lăn xuống gò má còn chưa lành hẳn vết thương…

    Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.

    Bác đến từng giường anh chị em đau nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm.

    Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh.

    Có người định làm thay, Bác nói:

    - Để Bác quạt.

Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui. Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hoà nhiệt độ nơi Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh.

*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:

Qua câu chuyện trên ta thấy được quan điểm và tình cảm của Bác, Đảng và Nhà nước ta cùng rất nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với những thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những gia đình có công với đất nước. Đặc biệt hơn trong tháng 7 này có ngày 27/7/2024 sẽ là kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ đó như lời nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, mà còn đề cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tại Cảng Lotus chúng ta, hằng năm cũng tổ chức thăm hỏi, trao các phần quà, thăm hỏi các cán bộ đã nghỉ hưu tại công ty. Cho thấy được tinh thần Uống nước nhớ nguồn, học tập và làm theo lời Bác đã chỉ dạy.

_________________________________________________________________________________________________________

BÁC HỒ VỚI CÂU CHUYỆN VỀ TÍNH TRUNG THỰC

Theo lời kể của Giáo sư Hoàng Chí Bảo

Chuyện kể rằng khi còn ở chiến khu Việt Bắc, thấy Bác làm việc căng thẳng quá, Văn phòng đề nghị Bác có những buổi chiều đi dạo thư giãn để Bác nghĩ việc lớn. Có khi Bác tập bóng chuyền, có khi Bác tập võ, có khi Bác đi câu cá.

Một lần, Bác đi câu cá ở bờ suối cùng một chiến sĩ trẻ đi theo cùng ngồi câu cá với Bác để bảo vệ Bác. Khi về, Bác bảo người chiến sĩ trẻ mang giỏ cá câu được vào nhà bếp để các cô cấp dưỡng làm cơm cho cả cơ quan Bác, cháu cùng ăn. Vào nhà bếp, thấy mấy em gái xinh xắn, cậu chiến sĩ ta bắt đầu tán, quên hết lời Bác dặn và hứng lên nói “Anh tặng các em giỏ cá anh câu, Bác đi chơi chứ Bác có câu được con nào đâu”.

Chuyện này có thể cho qua, vì là thanh niên, nhất là đứng trước mặt những em gái xinh xắn cũng là dễ hiểu. Nhưng nếu không sửa thì thành lỗi về đạo đức, tức là nói sai sự thật, là không trung thực, cho nên Bác sửa. Bác sửa rất khéo. Bác biết chuyện người chiến sỹ nói với các cô cấp dưỡng, mà Bác coi như không biết.

Hôm sau, hai bác cháu vẫn đi câu cá bình thường như không có chuyện gì xảy ra, nhưng câu được con nào, Bác lặng lẽ cấu đuôi con đó đi để đánh dấu. Sau đó, Bác bảo hôm nay Bác hơi mệt nên về sớm một chút. Tưởng Bác mệt thật, người chiến sỹ đưa Bác về. Đến một bãi cỏ xanh bằng phẳng, Bác bảo nghỉ một lát cho đỡ mệt và Bác nói: “Hai bác cháu mình thử chia cá xem ai được nhiều hơn, con nào của Bác, Bác đánh dấu rồi đấy, còn lại chắc là của chú câu phải không”. Bác rất thấu hiểu tâm lý, ở đời có tật giật mình nên Bác hỏi rất hóm hỉnh. Vừa nói, Bác vừa nhìn mặt người chiến sỹ trẻ đang đỏ mặt vì xấu hổ. Người chiến sỹ trẻ rất thấm thía, tự nhủ về sau chớ có dại mồm, dại miệng như thế nữa. Bác sửa lỗi như thế, không nhiều lời, không đao to búa lớn mà thấm thía vào tận gan ruột.

*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:

Qua câu chuyện trên, "TRUNG THỰC" có thể hiểu là thật thà, ngay thẳng, nói đi đôi với làm theo đúng sự thật. Người có đức tính trung thực là luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động, là người thành thực với tất cả mọi người và với cả chính mình. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.

Chúng ta nên đặt trung thực làm yếu tố cốt lõi trong nguyên tắc sống và làm việc; không chỉ đơn giản là việc dám chấp nhận mọi lỗi sai thay vì đổ lỗi cho người khác, cạnh tranh công bằng với đồng nghiệp mà còn thể hiện ở những khía cạnh như: Có quan điểm làm việc vững vàng, giữ lời hứa, tuân thủ quy tắc, trung thành tuyệt đối, thể hiện sự chính trực trong công việc và có tinh thần trách nhiệm cao.

_________________________________________________________________________________________________________

VIỆC GÌ LÀM ĐƯỢC HÃY TỰ LÀM LẤY

Tháng 8 năm 1952 Bộ Quốc phòng mở hội nghị tổng kết chiến tranh du kích tại căn cứ địa Việt Bắc. Một buổi sáng như thường lệ, một chiến sĩ phục vụ hội nghị xách mấy ống tre đầy nước từ dưới suối đi lên cho chúng ta dùng. Tôi và anh Hoàng đón lấy một ống tre bỗng một ông già mặt quần đùi, áo mây ô, khăn mặt hoàng cổ nhuộm màu lá cây đi lại gần hai chúng tôi.

Anh Hoàng ghé sát vào tai nói nhỏ.

Bác, Bác Hồ đấy!

– Chúng tôi chưa kịp chào Bác thì Bác hỏi.

– Nước xách lên cho các chú đánh răng, rửa mặt phải không? Không đợi chúng tôi trả lời, Bác nói!

– Không được thế! hai chú đang tuổi thanh niên, buổi sáng xuống suối rửa mặt tha hồ thoải mái, mà còn tập thể dục có hơn không?

– Cả hai chúng tôi đứng lặng người, Bác nói tiếp.

– Việc gì có thể làm được hãy tự làm lấy, đừng bắt chiến sĩ phục vụ vì mình mà các chú không chịu phụ thuộc, Bác đi rồi chúng tôi còn đứng nhìn theo và vô cùng thắm thía lời nhắc nhở của Bác.

*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:

Qua câu chuyện kể cho thấy trong cuộc sống khi làm việc gì phải nghĩ đến mọi người, đừng vì lợi ích riêng tư mà xem nhẹ quyền lợi của người khác, phải tích cực lao động, của cải vật chất tự mình làm ra mới có giá trị đích thực, dù việc nhỏ hay to, phải thật sự gương mẫu, thường xuyên quan tâm và nghĩ đến mọi người, đừng nên trông chờ vào sự giúp đở của người khác.

Trong công tác dù ở cấp nào chúng ta cũng phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cho bản thân, không trông chờ vào sự phân công, giúp đỡ của người khác.

_________________________________________________________________________________________________________