(QUÝ I & II - 2025) CÁC CÂU CHUYỆN BÁC HỒ

Khai Thác: 0931.793.108 / Thương vụ: 0961.694.948

(QUÝ I & II - 2025) CÁC CÂU CHUYỆN BÁC HỒ
Ngày đăng: 01/07/2025 09:26 AM

Các câu chuyện Bác Hồ trong Quý I & II – 2025:

“Vui xuân không quên nhiệm vụ”, “Một năm khởi đầu từ mùa xuân”, “Bác Hồ với câu chuyện tự học”, “Phải biết quan tâm mọi người hơn”, “Dành cho các cháu”.

_________________________________________________________________________________________________________

“Vui xuân không quên nhiệm vụ”

          Bác Hồ cũng thường nhắc nhở rằng đón Tết, vui Xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm. Bác viết trong bài "Mùa Xuân quyết thắng" trên Báo Nhân Dân số 2147 ngày 3/2/1960 như sau:

          Tục ngữ có câu: "Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân". Thật đúng như vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt". Từ ngày Tết đầu năm phải lo nghĩ để hoàn thành vượt mức kế hoạch, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này".

          Bác nói như vậy không phải duy tâm, mà xuất phát từ thực tiễn hoạt động cách mạng. Trước mỗi công việc, sự kiện lớn, Bác đều có kế hoạch, có tính toán từ trước. Những tính toán, dự cảm của Bác không chỉ trước một năm, mà thậm chí còn từ nhiều năm. Và Bác nhận thấy, nếu có niềm tin vững chắc, trong không khí vui vẻ phấn khởi, thì mọi việc sẽ càng thuận lợi hanh thông. Do đó Bác mong muốn mọi người cùng chung sức chung lòng, có kế hoạch chu đáo và thực hiện kế hoạch thành công.

          Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi hầu hết mọi người đều tề tựu về bên gia đình, tất bật chuẩn bị cho những ngày Tết thật đủ đầy, nhiều cán bộ nhân viên, người lao động vẫn hăng say vào ca, duy trì sản xuất. Đây là truyền thống đặc thù của các công ty, cơ sở lao động trong ngành công nghiệp của nước ta, nhằm đảm bảo cung ứng liên tục, kịp thời, đảm bảo xuyên suốt trong lao động và kinh doanh của Tổ quốc.

          Đối với công ty của chúng ta, những ngày Tết, hoạt động của Công ty Liên doanh Bông Sen vẫn diễn ra liên tục, đúng kế hoạch. Công ty đã sắp xếp đầy đủ nhân lực, từ Ban lãnh đạo đến cán bộ, nhân sự hành chính, công nhân và người lao động để phối hợp lập phương án, tham gia vận hành liên tục xuyên suốt. Riêng đối với hoạt động khai thác, CB, NV, NLĐ tham gia túc trực 24/24 để duy trì, chuẩn bị sẵn sàng cho những kế hoạch diễn ra trong dịp Tết.

          Ban lãnh đạo Công ty luôn thấu hiểu tâm tư người lao động, luôn đồng hành sát cánh cùng CB, NV, NLĐ qua nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tặng quà các hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc, đảm bảo lương thưởng và quà Tết đầy đủ. Đặc biệt, Ban lãnh đạo trực tiếp thăm hỏi, chúc Tết và lì xì CB, NV, NLĐ tại Cảng vào thời khắc giao thừa.

_________________________________________________________________________________________________________

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân”

          Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết:

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

          Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm câu nói đó của Bác Hồ chúng ta mới thấy hết giá trị, tầm nhìn chiến lược, tình cảm và lời dạy của Bác dành cho tuổi trẻ. Có thể cảm nhận về tầm cao tư tưởng, tầm tổng quát thiên tài và nghệ thuật phép viết so sánh: “Mùa Xuân với Tuổi trẻ” của Bác Hồ để thấy Bác luôn chăm lo cho đất nước, chăm lo cho thế hệ trẻ. Bác Hồ cũng chọn mùa Xuân để phát động phong trào thi đua yêu nước để thực hiện kế hoạch nhiệm vụ cho một năm.

          Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng vai trò làm chủ thì phải học tập. Vì vậy, Bác rất quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh niên. Càng suy ngẫm, chúng ta mới thấy lịch sử như một dòng chảy của thời gian, vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự “tuyến tính” mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những con người mới. Cũng như một năm qua đi, vạn vật biến đổi không ngừng, cái cũ mất đi cái mới nối tiếp, như đời người ai cũng trải qua và bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ luôn tràn đầy sinh lực, trí tuệ, sức sống và khát vọng mơ ước với những hoài bão lớn. Đó là tuổi đẹp nhất của đời người. Chính vì thế, tuổi trẻ luôn muốn vượt qua mọi trở ngại để đi tới những chân trời mới, khát vọng mới và chinh phục những thành tựu khoa học của nhân loại. Nhắc tới và suy ngẫm về câu nói của Bác Hồ, tuổi trẻ hôm nay hãy bắt đầu từ một việc làm có ích, dù lớn hay nhỏ cũng sẽ góp phần làm cho mùa Xuân xã hội luôn tươi tốt như mùa Xuân của đất nước.

          Bám sát theo chủ trương và lời Bác đã dạy, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ phải tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

          Một là, bồi dưỡng đạo đức cách mạng: Công ty chúng ta luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị cho đoàn viên thanh niên, công tác phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng. Hơn nữa luôn khích lệ, động viên, bồi dưỡng về nhận thức cho đoàn viên thanh niên nêu cao ý thức tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao nhận thức, trình độ, tri thức và phẩm chất, tác phong để đáp ứng đòi hỏi ngày một cao hơn của cuộc sống và công việc.

          Hai là, bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật: Công ty tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội học thêm để nâng cao trình độ học vấn. Tổ chức các lớp học cho cán bộ, công nhân viên được cập nhật, tiếp thu các kiến thức mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa.

          Ba là, bồi dưỡng thể chất: Công ty thường xuyên tham gia, tổ chức các hoạt động Hội thao, rèn luyện sức khỏe cho toàn thể CB, NV, NLĐ Cảng được tham gia. Trong đó, điển hình là Hội thao diễn ra hằng năm. Ngoài ra còn xây dựng sân Pickleball, tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực nhằm phát huy tinh thần rèn luyện sức khỏe, thi đua sôi nổi và gặp gỡ, giao lưu thắt chặt tình đoàn kết, bạn bè giữa tất cả mọi người.

_________________________________________________________________________________________________________

“Bác Hồ với câu chuyện tự học”

          Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học học viết cho kỳ được” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.

          Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp (La-tu-sơ Tơ-rê-vin, dưới các tên Văn Ba) mỗi lúc rảnh rổi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.

          Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toàn soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết di viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích.

          Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trao dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.

Bài học kinh nghiệm:

          Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Tấm gương sáng của Người là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi người Việt Nam xây dựng xã hội học tập hiện nay.

_________________________________________________________________________________________________________

“Phải biết quan tâm mọi người hơn”

*Nội dung câu chuyện:

          Hội trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến dự lễ bế giảng của trường. Xuống thăm nhà bếp, Bác thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: "Này, bế mạc, chứ không phải " Bế bụng" đâu nhé! Kháng chiến còn khó khăn lắm đấy, các chú ạ".

Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: "Thế Bác ăn với ai?". Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: "Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện…". Bác ngắt lời: "Không tiện gì cả. Thế ra các chú muốn cho Bác ăn trên ngồi trước à?". Bác đòi phải bê các món ăn của cán bộ, nhân viên nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ, bảo mọi người: Ngồi cả vào đây, ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được? Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách trường giới thiệu: "Bác Hồ sẽ huấn thị cho chúng ta". Bác cười mà bảo rằng: "Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có "huấn thị" gì đâu".

          Buổi tối, Bác ở lại trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác một chiếc đèn tọa đăng rất sáng. Khoảng 9-10 giờ tối, Bác cầm đèn đó xuống văn phòng trường và bảo rằng: "Đèn này to, tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ.Các đồng chí đổi cho Bác chiếc đèn khác".

          Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay trường, đồng chí phụ trách hỏi Bác có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường. Người nói: "Tôi chỉ mong là các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm đến mọi người hơn".

* Ý nghĩa câu chuyện:

          Qua câu chuyện cho chúng ta thấy trong cuộc sống khi làm việc gì cũng phải nghĩ đến mọi người, đừng vì lợi ích riêng tư mà xem nhẹ quyền lợi của người khác, phải sống tiết kiệm quan tâm chia sẽ với mọi người để ai cũng được hạnh phúc. Câu chuyện thể hiện đức tính giản dị, gần gủi với nhân dân, thể hiện tình yêu thương con người, suốt đời lo cho dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

         * Bài học kinh nghiệm:

          Sống phải biết quan tâm đến mọi người vì lợi ích của toàn thể , vì mục tiêu chung , lối sống phải giản dị, khiêm tốn, có tinh thần đoàn kết, giúp đở nhau trong cuộc sống. Cán bộ, công nhân viên chức trong Cảng tích cực tuyên truyền, vận động chị em rèn luyện phẩm chất đạo đức , giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển.

_________________________________________________________________________________________________________

“Dành cho các cháu”

          Trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch (tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng vào việc, một phòng nghỉ. Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách). Bác có ý kiến:

          - Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh.

          Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến, các cháu đều quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo.

          Một hôm Bác nói với đồng chí giúp việc:

          - Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu.

          Vâng lời Bác, đồng chí giúp việc đi tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn và thả ba con cá vàng rất đẹp. Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Người để dành những mẩu bánh mì làm thức ăn cho cá. Được Bác chăm sóc, ba con cá vàng ngày một lớn và phát triển.

          Mùa đông trời lạnh, Bác nói:

          - Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm. Chú nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá.

Khách đến thăm nhà Bác, nhất là “khách tí hon” rất thích thú đứng ngắm bể cá vàng. Những con cá màu sắc thật sặc sỡ, tung tăng, lấp lánh, bơi lặn trong bể nước. 

          Những câu chuyện về Bác với thiếu nhi được coi là di sản vô giá với dân tộc và thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Người luôn dành một tình cảm đặc biệt quan tâm đối với thế hệ tương lai của đất nước.

* Qua câu chuyện trên cũng cho ta thấy được tại cty chúng ta đang làm tốt việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, điển hình nhất sự quan tâm kịp thời đúng lúc của cty với các con em CB, NV, NLĐ tại cty, mỗi dịp lễ 1/6 đều có phần quà đến các con em CB, NV, NLĐ, song song cũng khen thưởng cho các em có thành tích học tập xuất sắc mỗi năm. Cho ta thấy được sự chăm lo của Ban lãnh đạo, Ban giám đốc, công đoàn cty luôn theo sát và quan tâm không chỉ là  đời sống CB, NV, NLĐ mà còn đến con em của CB, NV, NLĐ.

_________________________________________________________________________________________________________