Các câu chuyện Bác Hồ trong Quý II – 2024:
“Lời Bác dạy trong các câu thơ”, “Gương mẫu trong tôn trọng luật lệ”, “Câu chuyện Hồ Chí Minh với bảo vệ môi trường”
_________________________________________________________________________________________________________
LỜI BÁC DẠY TRONG CÁC CÂU THƠ
Lời Bác dạy “Biết đồng sức biết đồng lòng, việc gì khó, cũng làm xong” là những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài thơ Hòn Đá, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ra ngày 21 tháng 4 năm 1942.
Bài thơ “Hòn đá” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người sáng tác trong thời kỳ vận động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ bởi các thế lực thực dân, phong kiến cấu kết với nhau hòng ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Người đã dùng hòn đá làm nên một hình tượng văn học rất gần gũi, giản dị khiến mọi người, từ già đến trẻ ai cũng hiểu “Hòn đá” ấy là những thế lực nào; bọn chúng dù có xảo quyệt, ngoan cố và tàn bạo đến đâu thì với sự đoàn kết, nhất trí, triệu người như một, đồng lòng hiệp lực nhất định cuối cùng nhân dân ta cũng sẽ giành được thắng lợi.
Đoàn kết luôn là yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhờ đoàn kết, chung sức, chung lòng, nhân dân Việt Nam đã luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, dù đó là kẻ địch lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Do đó, trong bài thơ “Hòn đá”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định hòn đá dù to và nặng thế nào nhưng nếu nhiều người đoàn kết lại sẽ nhấc được nó một cách dễ dàng. Ngược lại, nếu không đoàn kết, chỉ thực hiện một cách đơn lẻ thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Suy rộng ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói rằng, nếu chúng ta biết đoàn kết thì kẻ thù lớn như hòn đá nặng kia, sớm muộn cũng sẽ bị tiêu diệt. Đoàn kết chiến thắng giặc ngoại xâm, đồng thời đoàn kết cũng là cội nguồn thắng lợi của mọi việc.
*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:
Đối với cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân, mỗi phòng ban đều giữ một nhiệm quan trọng quá trình phát triển của công ty. Để xây dựng công ty phát triển một cách bền vững thì mỗi thành viên trong công ty, phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tránh việc tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm, hay lánh nặng tìm nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cả một tập thể.
_________________________________________________________________________________________________________
GƯƠNG MẪU TRONG TÔN TRỌNG LUẬT LỆ
Hàng ngày, Bác thường căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết thì phải triệt để thi hành. Nếu đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.
Một hôm Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Đúng dịp lễ nên khách nước ngoài và nhân dân đến chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép. Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài rồi mới bước vào, giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ. Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon, bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đúng lúc đông người. Xe chở Bác cũng như các xe khác đều dừng lại cả. Mọi người trong xe lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì dễ gây tắc nghẽn. Nghĩ vậy, cả xe bèn cử một chiến sĩ cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao thông mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý, Bác ngăn lại rồi bảo:
Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.
Ai cũng thấm thía lời Bác dạy…
*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:
Nói và làm theo pháp luật. Nói đi đôi với làm. Gương mẫu trong mọi công việc, tôn trọng kỷ cương phép nước, thể hiện tính gương mẫu kỷ luật để từ đó tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Tôn trọng luật lệ là việc nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là vấn đề mang tính chuẩn mực xã hội, việc tôn trọng và thực hiện luật lệ là trách nhiệm của toàn xã hội mà mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương tiêu biểu để quần chúng nhân dân noi theo.
_________________________________________________________________________________________________________
CÂU CHUYỆN HỒ CHÍ MINH VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 1947, khi nước nhà mới giành độc lập, trong tác phẩm “Đời sống mới” (bút danh Tân Sinh), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu hai phương diện của môi trường là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường tự nhiên, Người viết: “về vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người đã đưa “vệ sinh phòng bệnh” vào nội dung của phong trào thi đua yêu nước, Người khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Những phong trào vệ sinh phát triển mạnh mẽ khi đó như vệ sinh phòng bệnh, diệt muỗi, đào giếng khơi, xây dựng nhà vệ sinh...
Người nói “Làm cho đồng bào hiểu rằng muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch” và Người nêu ra nguyên nhân của một số bệnh thường gặp là do ăn ở thiếu vệ sinh: “Ở đây đồng bào còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột? Không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới việc nâng cao nhận thức về môi trường cho mọi người: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì mới khoẻ; sức càng khoẻ thì lao động sản xuất càng tốt”.
*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:
Vậy đối với việc bảo vệ môi trường tại công ty, chúng ta cần phải Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên tại cảng. Nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ môi trường cho nhân viên thông qua các chương trình tình nguyện như: “ngày thứ 7 xanh”. Tuyên truyền, nhắc nhở các anh em công nhân, nên Phân loại rác thải và vứt rác đúng nơi quy định, không được vứt xuống sông gây hại cho môi trường. Ở văn phòng thì nên khuyến khích mọi người, Sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như đèn LED và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, chúng ta cầnTrang trí nhiều cây xanh trong văn phòng để thanh lọc không khí và tạo môi trường làm việc tốt hơn.
_________________________________________________________________________________________________________