CÂU CHUYỆN: “MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA BÁC”
Là người bảo vệ Bác, tôi thấy Bác có thói quen làm việc rất đúng giờ. Bác chủ động đặt ra thời gian làm việc và thi hành nghiêm túc không thay đổi giờ giấc sinh hoạt, kể cả mùa đông. Hằng ngày Bác dậy từ 5 giờ, 5 giờ 15 tập thể dục, 6 giờ ăn sáng sau đó Bác bắt đầu làm việc, vì vậy người phục vụ Bác cũng rất dễ dàng.
Có một lần ở Việt Bắc, Bác đang ốm, đúng 7 giờ sáng Bác nói:
Các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ.
Tôi ngạc nhiên, vì thấy Bác đang ốm không dậy được. Thế nhưng Bác nói bằng mọi cách Bác phải đi họp. Chúng tôi đành phải chuẩn bị cáng đưa Bác đi. Khi đi Bác dự tính sẽ đi đường trong bao lâu để kịp giờ họp. Vì vậy Bác đến rất đúng giờ.
Bác làm việc suốt ngày, ngày thường cũng như chủ nhật. Sau mỗi bữa ăn, Người nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Những việc mà Bác đã định trong kế hoạch đều giải quyết hết.
Buổi sáng Bác giải quyết những công văn giấy tờ hôm trước để đồng chí giao liên mang đi. Tiếp đó, Bác tranh thủ đọc các tác phẩm kinh điển. Khi giao liên về Bác xem công văn, xem xong ngồi viết, đánh máy, suy nghĩ để trả lời các nơi.
Phòng làm việc của Bác ở Việt Bắc có khi chỉ là chiếc chiếu trải xuông sàn nhà, những gì phải viết Bác để lên đùi. Bài viết nào dài Bác đánh máy. Vì vậy, những bài viết dài thường có bản thảo đánh máy. Những lúc mỏi, Bác kéo võng nằm suy nghĩ rồi lại dậy đánh máy tiếp. Khi xong công việc Bác đọc báo. Báo đến nhiều, Bác xem rất nhanh, xem xong để ra bên cạnh, sau đó gấp lại cho người chuyển đi. Bác xem báo nhanh nhưng rất kỹ. Những mục cần đọc, Bác không bỏ qua.
Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ Bác lại đọc sách, báo. Chủ nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Có những chủ nhật có người đến thăm, hỏi tôi tại sao các cậu không đưa Bác đi chơi, chúng tôi nghĩ: Bác làm việc gì đều đã có chương trình, chúng tôi đâu dám tự ý mời Bác đi.
Bác không muốn ai ngồi chơi không. Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Lúc giải lao Bác đi thăm anh em. Một hôm Bác gặp tôi đang nằm chơi, Bác nói:
- Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có thì mang chiếc giường dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay tăng gia. Ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu..
Bác có nếp sống rất gọn gàng. Bác nói: Trong lúc kháng chiến, các chú phải luôn luôn gọn gàng, lúc có lệnh là đi ngay. Nghe lời Bác chúng tôi mỗi người 1 ba lô, sẵn sàng khi có lệnh là đi.
Gọn gàng là thói quen của Bác nên phòng làm việc của Bác không bao giờ trang trí cầu kỳ; chỉ có một chiếc chiếu và một chiếc máy chữ. Bàn làm việc có một đèn dầu, một bút chì, một bút mực, một ít giấy và phong bì. Giấy tờ, sách báo sau khi đọc và dùng xong Bác đều cho mang xuống văn phòng.
*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:
Bài học sâu sắc từ “MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA BÁC” là vận dụng một cách linh hoạt vào đời sống kể cả trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường. Câu chuyện về Bác vừa thể hiện sự mẫu mực, vừa là lời nhắc nhỡ phê bình nhẹ nhàng rằng chúng ta cần học Bác qua từng công việc làm cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, trong công tác làm việc.Chúng ta phải biết sử dụng thời gian sao cho hiệu quả, mỗi người cần rèn luyện cho mình thói quen sống, làm việc đúng giờ, một tác phong, nếp sống công nghiệp. Việc tận dụng thời gian một cách có hiệu quả sẽ giúp chúng ta sống hữu ích, tận dụng hết mọi thời gian để làm việc để tạo ra kết quả và hiệu quả tối ưu là góp phần tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động tạo ra của cải vật chất cho bản thân, cho gia đình chúng ta, cho Công ty; cùng chung sức, chung lòng đóng góp sức lực trí tuệ xây dựng Công ty phát triển, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.