(05-12-2022) KỂ CHUYỆN BÁC HỒ: “NƯỚC NÓNG, NƯỚC NGUỘI”

Khai Thác: 0931.793.108 / Thương vụ: 0961.694.948

(05-12-2022) KỂ CHUYỆN BÁC HỒ: “NƯỚC NÓNG, NƯỚC NGUỘI”
Ngày đăng: 05/12/2022 12:07 PM

“CHIẾC ĐỒNG HỒ”

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám.

Được tin nhân dân phản ánh về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

- Dạ có ạ.

Bác nghiêm nét mặt nói:

- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.

* Ý nghĩa câu chuyện:

Câu chuyện NƯỚC NÓNG, NƯỚC NGUỘI” đã cho ta thấy được sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, và cách ứng xử sâu sắc và khéo léo của Bác. Mặc dù anh cán bộ trên nóng tính và có những cách cư xử không đúng mực tạo dư luận không tốt. Thay vì khiển trách kỷ luật, Bác đã mượn hình ảnh ly nước nóng để đồng chí trên tự nhận thấy khuyết điểm và nhận lỗi, sửa chửa.

* Bài học kinh nghiệm:

        Trong mọi tình huống giao tiếp phải thật sự bình tĩnh và khéo léo, cho dù làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp, với đơn vị khác và người thân thì không được nóng giận cáu gắt một cách mất kiểm soát. Có thể do áp lực gia đình, áp lực công việc đôi lúc làm chúng ta bực dọc, nóng nảy. Nhưng nếu mỗi người chúng ta không tự học cách kìm chế bản thân thì bầu không khí xung quanh càng nặng nề và nó lại tiếp tục gây ra những hậu quả xấu hơn.

Trong việc nhận xét, góp ý với người khác. Nhất là trong công tác phê bình và tự phê bình trong Chi bộ cũng như trong các cuộc họp, thì nên nhận xét, góp ý một cách khéo léo, không nên quá gay gắt. Giống như cách Bác đã xử lý tình huống trong mẫu chuyện nước nóng nước nguội trên.