Cảng biển khu vực phía Nam kỳ vọng có được tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua tốt hơn sau một thời gian dài ảm đạm do giãn cách xã hội.
Bớt lo nhân lực khai thác cảng
Khoảng thời gian trước, tháng 9/2021, hoạt động sản xuất của cảng Lương thực sông Hậu (Cần Thơ) gần như bế tắc khi công nhân đồng loạt xin nghỉ do không được về nhà thường xuyên.
Trong khi cảng không thể đưa tốp công nhân mới vào thay thế vì đang cao điểm dịch.
Cảng biển phía Nam được nhận định sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua tốt nếu công tác kiểm soát dịch hiệu quả và mang tính nhất quán liên vùng.
“Để giữ chân khách hàng truyền thống, cảng phải huy động hết cán bộ văn phòng, cả cấp lãnh đạo cao nhất xuống vận hành khai thác.
Sản lượng khai thác bập bõm với 400 - 500 tấn/ngày so với khối lượng 2.000 - 3.000 tấn ở thời điểm chưa có dịch”, ông Lê Thành Vẹn, PGĐ Công ty cảng Lương thực sông Hậu chia sẻ.
Từ ngày 30/9 đến nay, TP Cần Thơ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cảng được phép đưa 30 công nhân chưa được tiêm vaccine vào thực hiện “3 tại chỗ” đợt mới, hoạt động khai thác dần khơi thông với sản lượng hàng thông qua khoảng 1.200 - 1.500 tấn.
“Khối lượng hàng khai thác sẽ tiếp tục tăng trong tháng 10/2021, khoảng 120 công nhân cảng sẽ được tiêm. Khi ấy, lao động cảng có thể đi lại thuận lợi từ chỗ ở đến nơi làm việc, hoạt động cảng có thể trở lại trạng thái bình thường với 100% quân số”, ông Vẹn chia sẻ.
Ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc cảng VIMC Hậu Giang cho biết, sau khi tỉnh Hậu Giang thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10/2021, hoạt động của cảng cũng từng bước hồi phục.
Thời gian cao điểm dịch (tháng 8, tháng 9/2021) sản lượng hàng hóa qua cảng chỉ đạt khoảng 30.000 tấn/tháng (so với 80.000 tấn/tháng ở thời điểm thông thường. Sang tháng 10, sản lượng qua cảng dự kiến sẽ tăng khoảng 15 - 20%.
“Tổng sản lượng hàng qua cảng năm 2021 ước đạt 800.000 tấn so với kế hoạch 1 triệu tấn đề ra do tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp (DN) sản xuất chưa thể bình thường hóa ngay trong năm nay”, ông Phong nói.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó TGĐ cảng Sài Gòn cho biết, từ ngày 4/10, cảng dừng triển khai 3 tại chỗ, lực lượng công nhân với tỷ lệ tiêm vaccine gần 100%, hiện có thể di chuyển thuận lợi.
Nỗi lo phát sinh chi phí tới hơn 2,5 tỷ đồng/tháng cho việc ăn, ở tại cảng cho công nhân không còn.
Tuy nhiên, hiện hàng hóa qua cảng Sài Gòn mới chỉ bằng 40 - 50% so với bình quân của 6 tháng đầu năm. Nếu hai quý đầu năm 2021, bình quân lượng hàng qua cảng đạt 900.000 tấn/tháng thì từ tháng 7 - 9/2021, sản lượng này chỉ đạt 450.000 - 500.000 tấn/tháng, lượt tàu cũng giảm 50% so với trước đây.
Tính đến nay, tổng sản lượng hàng qua cảng Sài Gòn ước đạt gần 9 triệu tấn. Trường hợp nền kinh tế phục hồi tốt, kế hoạch 10,1 triệu tấn của cảng mới có thể đạt, trường hợp xấu hơn có thể chỉ được 95 - 96% mục tiêu đưa ra.
Cảng Sài Gòn xác định tốc độ tăng trưởng hai tháng cuối năm sẽ ở mức 15 - 17% so với năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua bình quân đạt khoảng 750.000 tấn/tháng, thay vì tốc độ tăng trưởng 25 - 32% với sản lượng hàng thông qua 900.000 tấn/tuần như 6 tháng đầu năm 2021.
Hy vọng tăng độ phủ vaccine
Ông Nguyễn Quốc Hưng nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đơn hàng phục vụ dịp Giáng sinh tại Mỹ và châu Âu của chủ hàng Việt Nam bị chậm một nhịp.
Do đó, luồng hàng tháng 11, 12/2021 và tháng 1/2022 vẫn thấp và chỉ “khởi sắc” trở lại vào những tháng sau Tết Âm lịch năm 2022.
“Cảng biển phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sản xuất của các DN trong nước. Tuy nhiên, nới lỏng của các địa phương thực hiện thời gian qua không đồng đều, đặc biệt, tình trạng người lao động từ các khu công nghiệp, nhà máy bỏ về quê vẫn còn”, ông Hưng nói.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng cho rằng, các địa phương cần có những chính sách kiểm soát việc đi lại nhất quán để tạo động lực cho ngành sản xuất phục hồi nhanh hơn, từ đó, DN cảng mới có điều kiện hưởng lợi gián tiếp.
Theo ông Giang, thời gian tới nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng lên, cảng biển Việt Nam có “cửa sáng” để quay lại đà tăng trưởng như lúc trước dịch.
Tuy nhiên, để tranh thủ được những cơ hội trên, các tỉnh, thành phố cần tăng tốc hơn nữa tiến độ phủ hai mũi vaccine cho toàn bộ nhân lực liên quan đến hoạt động hàng hải (khối cảng biển, khối dịch vụ và khối vận tải biển) để giữ chắc vùng an toàn tại mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics.
“Khi sẵn nguồn vaccine, chúng ta cần có kế hoạch tiêm cho cả thuyền viên nước ngoài khi đến cảng Việt Nam giống Singapore và một số nước để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến an toàn và là quốc gia tạo thuận lợi cho vận tải biển, từ đó thu hút các chuỗi cung ứng, tuyến dịch vụ đến Việt Nam, giúp cảng biển hưởng lợi và phục hồi nhanh sau dịch”, ông Giang nói.
Trước đó, hàng hóa qua khu vực cảng TP.HCM được dự báo tăng từ 3 - 5%, khu vực Cái Mép tăng từ 15 - 17% nếu dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý 4/2021.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng mức tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển dịp cuối năm sẽ tăng hơn thế nếu dịch được kiểm soát tốt, địa phương mở cửa dần theo tốc độ kiểm soát dịch và dây chuyền sản xuất được tạo điều kiện phục hồi.
Theo ông Ngô Quang Hưng, PGĐ Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, nếu thời điểm dịch phức tạp, các hãng tàu chủ động cắt bớt chuyến thì sau khi nới lỏng giãn cách, họ đã trở lại đánh giá mức độ mở cửa và quy mô phục hồi sản xuất để điều chỉnh tần suất chuyến dịch vụ tăng trở lại.
“Hiện, mỗi ngày có khoảng 30 - 40 lượt tàu biển hoạt động tại khu vực cảng biển TP.HCM. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế, khoảng cuối tháng 10/2021, tần suất hoạt động của tàu biển sẽ quay trở lại bình thường (50 - 60 lượt/ngày)”, ông Hưng cho hay.
Nguồn: Baogiaothong