(03-07-2023) KỂ CHUYỆN BÁC HỒ: “BÁC HỒ VỚI BÀI HỌC SÂU SẮC VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM”

Khai Thác: 0931.793.108 / Thương vụ: 0961.694.948

(03-07-2023) KỂ CHUYỆN BÁC HỒ: “BÁC HỒ VỚI BÀI HỌC SÂU SẮC VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM”
Ngày đăng: 03/07/2023 09:17 AM

BÁC HỒ VỚI BÀI HỌC SÂU SẮC VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

Sinh thời, không ít hơn hai lần Bác Hồ kể lại câu chuyện Người dùng phong bì gửi công văn, thư từ.  Lần thứ nhất, tháng 5-1949, Bác Hồ kể: “Trung bình một cái phong bì có kích thước giấy 180 phân vuông. Mỗi ngày các cơ quan, đoàn thể và tư nhân ít nhất cũng dùng hết một vạn cái phong bì, tức là 180 thước vuông giấy. Mỗi năm là 64.800 thước vuông giấy. Nếu ai cũng tiết kiệm, dùng một cái phong bì hai lần, thì mỗi năm chỉ tốn một nửa số giấy, tức là 32.400 thước vuông. Còn 32.400 thước để dành cho các lớp bình dân học vụ thì chẳng tốt sao? Hơn nữa, nhờ sự tiết kiệm giấy, mà tiền bạc và công phu làm giấy có thể làm thêm việc kiến thiết khác, thì càng ích lợi hơn nữa”.

Lần thứ hai, năm 1952, nói về thực hành tiết kiệm, Bác Hồ dẫn thí dụ: “Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng hai, ba lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy”. Và Bác nhấn mạnh: “Đối với giấy như thế, đối với mọi thứ khác đều như thế” bởi: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người noi theo là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến hai, ba lần.

Về việc sử dụng giấy in, ban đầu Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày khi đưa bản tin lên cho Bác xem đều in một mặt, Bác đã phê bình là lãng phí giấy. Sau đó Thông tấn xã đã in hai mặt, dù khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Bác cho văn phòng tái dụng làm phong bì hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969.

*Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm:

Đối với Bác Hồ, bất cứ làm việc gì, sử dụng cái gì dù lớn dù nhỏ cũng đều phải tiết kiệm. Bởi theo Bác tiết kiệm cũng như cái thùng có đáy, nước đổ vào không thể đi đâu được. Thế nên, Bác Hồ luôn nhắc mọi người: “Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người”.

Trong khi căn dặn mọi người, mọi ngành, mọi cấp thường xuyên thực hành tiết kiệm, thì đồng thời, Bác Hồ cũng quan tâm làm cho mọi người hiểu rõ tiết kiệm không phải là khắc khổ, là bủn xỉn đến mức nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, tiết kiệm để tạo cho mức sống ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn.

Từ câu chuyện trên, mỗi cơ quan, cá nhân có thể nhận thấy tiết kiệm không phải là những chuyện xa xôi mà đó chính là những hành động, việc làm hàng ngày như tiết kiệm giấy, văn phòng phẩm, điện, nước ... Khi tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày sẽ mang lại sự phát triển hiệu quả và bền vững cho doanh nghiệp.